GIỚI THIỆU CHUNG
Xã Vạn Phái ở phía Tây Nam của thị xã Phổ Yên và nằm trong khu vực giáp ranh giữa tỉnh Thái Nguyên với Thủ đô Hà Nội. Trải qua quá trình đấu tranh với thiên nhiên để tồn tại và phát triển, đặc biệt là trong đấu tranh với thiên nhiên để tồn tại và phát triển, đặc biệt là trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, người dân Vạn Phái đã tạo nên những truyền thống tốt đẹp.
Xã Vạn Phái mang đặc điểm địa hình vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Đồi núi thấp xen kẽ đồng bằng. Địa hình thấp dần từ tây bắc xuống đông nam. Đồi núi chiếm tới 60% diện tích, tập trung chủ yếu ở các xóm Tân Hòa, Hạ Vụ 1, Hạ Vụ 2, Trại Cang... Dọc sông Công (xóm Vạn Kim, Trường Giang, Bến Chảy 1, Bến Chảy 2...) là địa hình bằng phẳng có độ dốc thấp nhất là 30 và thung lũng nhỏ xen kẽ các ngọn đồi.
Trước kia, nhân dân đi lại chủ yếu trên đường mòn ven núi, đồi, việc kết nối với các xã khác trong khu vực găp nhiều khó khăn. Vào mùa mưa, nước sông Công dâng cao gây lên các trận úng lụt, giao thông giữa xã với trung tâm huyện bị chia cắt. Sau khi đất nước thống nhất và đặc biệt trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, hệ thống giao thông trên địa bàn xã từng bước được tu bổ, nâng cấp, bê tông hóa. Từ năm 2007, việc đi lại thông thương của 2 xã phía tây bờ sông Công là Thành Công và Vạn Phái thuận lợi hơn do tỉnh đã đầu tư xây dựng cầu Thác Nhái nối xã Vạn Phái với xã Đắc Sơn. cầu làm bằng bê tông cốt thép dài 140m, rộng 7m thay cho cây cầu treo trước đây.
Vạn Phái có 17km đường giao thông liên xã, 20,6km đường liên thôn, xóm, góp phần đáng kể vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Từ Vạn Phái, có thể kết nối với trung tâm thị xã Phổ Yên và các trung tâm kinh tế, xã hội của tỉnh, thị xã theo các tuyến đường giao thông: Vạn Phái - Nam Tiến (đoạn qua xã dài 3,08km); Vạn Phái - Đắc Sơn (đoạn qua xã dài l,86km) và Vạn Phái - Thành Công (đoạn qua xã dài l,09km).
Nằm bên dòng sông Công, đất và người Vạn Phái gắn với dòng sông này từ bao đời nay. Sông Công dài 96km, đoạn chảy qua Vạn Phái dài 8,4km. Sông Công bắt đầu nhập vào địa giới Vạn Phái ở xóm Đồn, rồi chảy qua các xóm Bến Chảy, Trường Giang, Vạn Kim. Dòng sông cung cấp nguồn nước sản xuất và sinh hoạt; đồng thời mang lại nguồn lợi về kinh tế như giao thông đường thủy (trước những năm 70 của thế kỷ XX), khai thác vật liệu xây dựng, cung cấp nguồn thực phẩm cho nhân dân trong xã. Cùng với những giá trị mang lại, hằng năm về mùa mưa, sông Công cũng gây ra các trận lũ lụt làm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp của xã, nhất là ở các xóm Đồn, Bến Chảy 1, Bến Chảy 2, Vạn Kim, Trường Giang.
Năm 1973, hồ Núi Cốc được khởi công xây dựng, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, lưu lượng dòng chảy của sông Công được điều tiết, tạo thuận lợi hơn cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Ngoài ra, trên địa bàn xã có nhiều hồ lớn như hồ Cơ Phi, hồ Thác Nhái (hồ Đồn ngày nay)... với tổng diện tích khoảng 53,03ha, cung cấp nguồn nước tưới tiêu đáng kể phục vụ sản xuất nông nghiệp và diện tích nước mặt nuôi trồng thủy sản.
Sông Công bắt nguồn từ núi Ba Lá (huyện Định Hóa) chảy qua huyện Đại Từ, qua thành phố Sông Công về thị xã Phổ Yên rồi nhập vào sông Cầu ở thôn Phù Lôi, xã Thuận Thành (thị xã Phổ Yên).
Xã Vạn Phái nằm trong vùng trung du miền núi Bắc Bộ vì vậy mang đặc điểm chung của khí hậu khu vực nhiệt đới gió mùa. Một năm chia làm hai mùa nóng và lạnh rõ rệt. Mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10, thời tiết nắng nóng, nền nhiệt cao nhất lên tới gần 40°C, có gió mùa đông nam, mưa nhiều (lượng mưa cao điểm nhất vào các tháng 6, 7, 8) thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Mùa lạnh thường xuyên có những đợt gió mùa đông bắc hanh, khô gây ra hiện tượng giá rét và sương muối gây hại cho sức khỏe con người, gia súc và cây trồng. Nhiệt độ trung bình năm của Vạn Phái khoảng 22°C; lượng mưa trung bình từ 2.000 - 2.500mm/năm (cao nhất vào tháng 8, thấp nhất vào tháng 1).
Diện tích tự nhiên của Vạn Phái là 10,76km2, trong đó, đất nông nghiệp 674,24ha (chiếm 62,68%), đất phi nông nghiệp 401,48ha (chiếm 37,32%). Đất đai ở Vạn Phái chia thành các loại chính: đất feralit nâu vàng trên phù sa cổ; đất phù sa được bồi tụ hằng năm; đất phù sa ngòi, suối; đất dốc tụ (đất có độ dốc dưới 3°). Đất feralit nằm trên địa hình có độ dốc cao, tầng đất mỏng thích hợp cho trồng cây công nghiệp (chè, lạc...), cây ăn quả lâu năm (vải, nhãn...) và cây lâm nghiệp. Phía đông nam của xã là đồng đất tương đối bằng phẳng với độ dốc dưới 3°, tầng dày trên 110cm, dễ canh tác, phù hợp với trồng lúa nước và các loại rau màu (nhất là khoai lang và sắn).
Từ năm 1990, thực hiện Chương trình PAM 3352, xã bắt đầu triển khai trồng rừng ở các xóm Tân Hòa, Hạ Vụ, Trại Cang, Kim Sơn, Cơ Phi, Bến Chảy. Từ đó, hoạt động trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng được chú trọng. Năm 2016, toàn xã có 106,68ha đất lâm nghiệp (chiếm 9,92% diện tích tự nhiên), trồng các loại cây lấy gỗ (keo, bạch đàn), cây làm nguyên liệu giấy, cây ăn quả...
Vạn Phái có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, đó là mỏ đất sét ở Vạn Kim, phân bố chủ yếu ở khu vực dọc sông Công với trữ lượng khoảng 4,2 triệu mét khối. Loại đất này được tạo thành trong lớp trầm tích bở rời, phong hóa từ chất đá lục nguyên; khối đất sét có dạng vỉa nằm ngang, nằm dưới lớp thổ nhưỡng và có đặc tính mịn, dẻo, chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói.
Từ lâu đời, một bộ phận cư dân Việt đã khai khẩn đất hoang, sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất Vạn Phái và dần dần quy tụ thành làng, xóm. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Vạn Phái có nhiều lần thay đổi về địa danh, địa giới hành chính. Vào cuối thế kỷ XIX, theo sách “Đồng Khánh địa dư chí”, tổng Vạn Phái gồm 3 xã: Vạn Phái, Nông Vụ và Hạ Vụ, nay là địa phận xã Vạn Phái thuộc thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Từ năm 1831, huyện Phổ Yên nằm trong phủ Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Dưới thời Pháp thuộc, từ tháng 10/1890 đến tháng 9/1892, huyện Phổ Yên nằm trong phủ Phú Bình, thuộc tiểu Quân khu Thái Nguyên - Đạo quan binh I Phả Lại. Năm 1892, tỉnh Thái Nguyên được tái lập, Phổ Yên là một huyện thuộc phủ Phú Bình. Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp bỏ đơn vị hành chính cấp phủ, huyện Phổ Yên nằm trong tỉnh Thái Nguyên gồm 6 tổng với 24 làng. Năm 1918, Phổ Yên trở thành phủ (trong số 2 phủ, 3 huyện, 3 châu của tỉnh Thái Nguyên) gồm 8 tổng với 36 làng. Địa dư tổng Vạn Phái lúc bấy giờ cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn gồm 3 xã (làng): Vạn Phái, Nông Vụ và Hạ Vụ.
Sau Cách mạng tháng Tám, cuối năm 1945, các xã Vạn Phái, Nông Vụ, Hạ Vụ sáp nhập thành xã Vạn Phúc. Sau khi có chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập các xã nhỏ thành xã lớn nhằm thuận lợi cho việc lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, ngày 20/8/1948, Vạn Phúc sáp nhập với Tân Định, Long Thành thành xã Hợp Thành. Cuối năm 1953, trước khi tiến hành giảm tô, xã Hợp Thành tách thành 2 xã: Hợp Thành và Thành Công. Khi tách xã, Hợp Thành gồm có 6 thôn (Vạn Kim, Tân Hòa, Nông Vụ, Hạ Vụ, Cơ Phi và Bến Chảy) với 2.225 nhân khẩu. Thực hiện Quyết định số 136/NV ngày 7/4/1967 của Bộ Nội vụ, từ ngày 15/8/1974 xã Hợp Thành đổi tên thành Vạn Phái.
Qua nhiều lần thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính, đến năm 2016, Vạn Phái có 2.189 hộ với 8.655 nhân khẩu, sinh sống ở 21 xóm: Tân Hòa, Bãi Chẩu, Đồn, Trại Cang, Tân Cương, Hạ Vụ 1, Hạ Vụ 2, Hạ Vụ 3, Nông Vụ 1, Nông Vụ 2, Nông Vụ 3, Nông Vụ 4, Nông Vụ 5, Cơ Phi 1, Cơ Phi 2, Cơ Phi 3, Bến Chảy 1, Bến Chảy 2, Vạn Kim, Trường Giang và Kim Sơn. Trên địa bàn xã có 5 dân tộc cùng sinh sống: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, trong đó, người Kinh chiếm đại đa số (còn các dân tộc khác chiếm số ít). Các dòng họ gắn bó lâu đời với vùng đất này như họ Trần, Vũ, Nguyễn, Lê, Lưu, Đinh...